“Dòng chảy” của gia đình họa sĩ Lợi Hoan Trang- Nguyễn Lệ Dung, các tác phẩm trưng bày đa dạng về chất liệu, từ sơn mài, sơn dầu, lụa đến các bức ký họa màu nước. Đúng như tên gọi, là sự tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác của gia đình họa sĩ, một dòng chảy của lòng đam mê và tình yêu với hội họa. Các tác phẩm chia làm hai mảng, một bên là cái nhìn chân chất, quen thuộc với các đề tài gần gũi của cuộc sống xung quanh qua các tranh phong cảnh, con người, tĩnh vật,…của họa sĩ Lợi Hoan Trang, Nguyễn Lệ Dung, Lợi Hồng Ly. Một bên là các bức tranh mang khuynh hướng biểu tượng, triết lý của họa sĩ Lợi Hồng Diệp.
Như một sự tưởng nhớ đến cố họa sĩ Lợi Hoan Trang, người chồng, người cha của gia đình nguyên là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Tp. HCM. Lợi Hoan Trang là họa sĩ được đào tạo ở Liên Xô 10 năm chuyên ngành ghép gốm, hoành tráng. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm hoành tráng tại các công trình lớn như nhà hát Trưng Vương- Đà Nẵng, khu thủy điện sông Đà và một số kiến trúc tư nhân tại Đài Loan. Trưng bày hơn 10 tác phẩm của ông, ngoài 3 tác phẩm được vẽ từ thập niên 60 thế kỷ trước, các tác phẩm còn lại đều được vẽ từ 1996 đến 2016. Điểm nhấn chính là bức tranh sơn mài khổ lớn “Vịnh Hạ Long” diễn tả vẻ đẹp nên thơ của đảo và thuyền trên nền son màu truyền thống.
Họa sĩ Nguyễn Lệ Dung (cũng là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Tp. HCM) có số lượng tranh nhiều nhất , 35 bức. Tranh của họa sĩ tìm tòi cái đẹp trong sự dung dị của đời sống với cái nhìn chân thành, bút pháp khoáng đạt mạnh mẽ. Đó là những bức tranh đầy tình cảm phong cảnh các miền quê, góc phố, góc nhà, cái cây, không gian tĩnh vật, chân dung người thân trong gia đình,…tất cả đều toát lên vẻ yêu thương trìu mến. Các bức sơn dầu và sơn mài của bà đem đến cho người xem những rung động mạnh của cảm xúc. Tranh lụa của bà có hòa sắc kiệm màu, lấy đậm nhạt làm chính, tạo vẻ đẹp không gian giữa mảng trống và mảng đậm của hình thể trong sự xao động đầy nữ tính.
Cùng với các đề tài quen thuộc, lối vẽ buông hình, tranh của họa sĩ Lợi Hồng Ly mang khuynh hướng duy sắc, tạo cảm giác nhẹ nhàng, lãng mạn cho người xem. Các tác phẩm của cô như những bài thơ mượt mà, hiện thực nhưng lại lãng đãng như mơ.
Khác với những thành viên trong gia đình, tranh của họa sĩ Lợi Hồng Diệp mang tính suy ngẫm, triết lý về con người qua lối vẽ mang tính biểu tượng, ẩn ý, đa nghĩa. Tranh Lợi Hồng Diệp như sự thách đố, khơi gợi trí tò mò và tưởng tượng cho người xem.
89 tác phẩm là sự kết nối tinh thần , xuyên suốt từ thế hệ ban đầu, họa sĩ Lợi Hoan Trang, Nguyễn Lệ Dung đến thế hệ thứ 2, họa sĩ Lợi Hồng Diệp và Lợi Hồng Ly. Cho dù hôm nay trong thành viên gia đình ấy có người đã đi xa mãi mãi, có người không còn ở chung một mái nhà nhưng sự gắn kết đó vẫn còn hiện hữu mạnh mẽ trong ngôi nhà nghệ thuật.
0 bình luận