Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Câu thơ của Hoàng Cầm như reo một nốt nhạc vào lòng Tết nét hoài cổ về những bức tranh dân gian xưa. Những tranh gà, tranh lợn tuy mỏng manh, nhỏ bé, tưởng chừng chỉ như chút sắc màu tô điểm cho Tết xưa, nhưng ở cái nét tươi trong ấy chúng lại chứa đựng cả một thế giới nhân sinh quan cùng những thông điệp ngàn đời của người Việt.
Xưa vào những năm Hợi, tranh Tết ở các làng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng các tranh Lợn bao giờ cũng được in với số lượng lớn. Các thuyền buôn tranh Đông Hồ ghé bến sông Đuống chở tranh đi khắp các làng xã vùng Kinh Bắc. Làng tranh Kim Hoàng thì lai kinh hoặc xuôi ngược xứ Đoài với những tờ tranh đỏ. Bến làng Sinh Huế cũng tấp nập không kém. Và, những con lợn Lợn đàn (lợn mẹ và đàn con), Lợn độc (lợn đang ăn bên máng) hay Lợn ăn ráy (lợn đang ngoạm cây ráy) về từng tư gia góp mặt vào Tết cổ truyền một niềm vui và sự đủ đầy, bình an.
Trong ba chủ đề tranh Lợn trên, tranh Kim Hoàng chỉ duy nhất có một con lợn độc, còn Đông Hồ có cả ba con. Riêng tranh Làng Sình, thì có một cặp be bé, xinh xinh dùng cho việc hóa mã. Và, điều thú vị là dẫu chỉ có ngần ấy mẫu hình, mà ở mỗi làng tranh, mỗi nghệ nhân, các bức tranh Lợn này lại như được điểm sắc sinh hóa vô cùng trong những sự linh hoạt khác nhau.
Vì sao con lợn vốn là vật nuôi rất gần gũi, quen thuộc ở nông thôn lại đi vào tranh Tết? Và, con lợn trong tranh đó có gì khác với con vật ngoài đời thực? Phải chăng nó là một trong những con giáp quan trọng của người Việt? Câu lời đầy đủ nhất chính là quan niệm về thế giới quan của người Việt. Những bức tranh Lợn nói riêng hay những bức tranh dân gian nói chung đều là sự thoát thai từ cuộc sống, trải bao đời đã được nâng lên thành những triết lý sống cô đọng và súc tích.
Những bức tranh Lợn đàn Đông Hồ vừa như tả thực chú Lợn mẹ với một đàn con quây quần sung túc. Qua những nét khái quát đầy chất tạo hình các chú Lợn như mang âm hưởng của điêu khắc đình làng vừa chắc khỏe, vững chãi vừa thô mộc, mà vẫn rất tinh tế. Những đường cong của lưng, của bụng rồi điểm nhấn của chân, của móng và đặc biệt là đôi tai lợn cho thấy một tư duy tạo hình khác. Nếu thoạt nhìn các con lợn này, người ta chỉ thấy chúng như được tạo hình theo lối không gian hai chiều trên mặt phẳng. Nhưng nếu quan sát thật kỹ thì đôi tai và cái móng lợn lấp ló phía sau đầu, sau bụng đã tạo ra chiều thứ ba rất ước lệ.
Con Lợn mẹ và năm con lợn con béo tốt, quây quần làm nên cái triết lý, ước vọng của người Việt về Tết sum vầy, ấm cúng. Không chỉ vậy, các chú lợn này đều mang trên mình biểu tượng về triết lý âm dương qua hình những khoáy tròn trên lưng và mông. Đặc điểm này cũng hiện diện ở các tranh lợn khác như Lợn Độc, Lợn ăn lá ráy vẽ những con lợn nái (lợn cái) hay lợn giống (con lợn đực), đều có những vòng tròn thái cực đồ. Phải chăng việc khắc họa các con vật này là sự phản ánh một tập tục lâu đời của người Việt. Đó là tập tục nuôi lợn làm vật tế Thần trong các dịp lễ Tết. Lợn được nuôi được gọi là Ông Lợn, được chăm sóc tắm rửa mỗi ngày. Thức ăn của ông phải đựng trong chậu sạch sẽ, chỗ ở phải thoáng mát, rộng rãi. Vào ngày lễ Tết người ta vẽ hình tròn âm dương lên mình Ông để tế Thần. Vòng tròn âm dương đó không chỉ là dấu hiệu thần thánh hóa Ông Lợn mà còn là dấu hiệu trừ tà.
Trong tranh dân gian cũng vậy, tuy nhiên điều thú vị là mỗi chú Lợn trên tranh lại có đến những hai khoáy âm dương. Phải chăng hai khoáy tròn này là sự nhấn mạnh biểu tượng “Lưỡng nghi sinh tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái”. Bát quái là 64 quẻ trong kinh dịch, là sự phản ánh cuộc sống xoay chuyển không ngừng, sinh sôi nảy nở, đông đàn dài lũ. Tết Nguyên đán của người Việt, không chỉ là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ, bước sang một năm mới, mà đây cũng là thời điểm trong vũ trụ, âm dương giao đãi chuyển hóa, nên với ý nghĩa trên hình tượng con lợn như góp thêm vào sự hóa sinh đó để nói lên bộc bạch ra triết lý về sự sinh trưởng vô biên – ước vọng của người Việt.
Riêng với chú lợn độc của tranh Kim Hoàng, hình ảnh là một con lợn đen tuyền nổi lên giữa nền đỏ của tranh, hoặc một con lợn trắng nổi trên nền cam giấy phẩm – màu sắc đặc trưng cho dòng tranh Đỏ xứ Đoài lại mang những yếu tố đặc biệt khác. Những Ông Lợn này không chỉ là những bức tranh in, mà còn có cả kỹ thuật tô vẽ. Những Ông Lợn được in bằng ván khắc xong, sẽ được vẽ viền bằng nét trắng trên lợn đen và in nét đen trên lợn Trắng. Chúng linh hoạt hơn so với tranh dân gian Đông Hồ khi được các nghệ nhân dân gian vẽ tay chiếc máng, hay lá ráy phía trước con Lợn. Do đó tranh Kim Hoàng dẫu chỉ có một bản in tranh, nhưng trong dòng tranh Kim Hoàng, các bức tranh Lợn hoàn thiện lại rất khác nhau về hình thức. Con Lợn Độc trong tranh Kim Hoàng cũng ít nhiều khác biệt với Lợn Độc Đông Hồ. Lợn không có khoáy âm dương trên mình nhưng rõ ràng cái màu đen/ trắng, chừa lại cái tai, mõm lợn màu đỏ, đã khiến biến cả Ông Lợn này thành hình âm dương. Màu đen là âm trên nền đỏ, màu đỏ là dương trên nền đen. Trong Âm có Dương, trong Dương, có Âm. Ngược lại sắc đỏ cũng là dương trong hệ màu, con Lợn Nái (cái) đen là Âm, rồi nét trắng viền quanh đã làm nên sắc trung tính vận hành sự linh hoạt đó. Thế mới thấy, bức tranh Lợn Độc của Kim Hoàng dường như rất đơn giản, nhưng cũng đầy triết lý. Hình tượng biểu tượng vừa rất gần gũi, nhưng lại đầy uy lực. Tranh Lợn Độc, ở cạnh tranh Thần Kê (gà thần), tạo nên một bản sắc riêng của tranh dân gian Kim Hoàng. Chúng không chỉ là con lợn con gà, mà còn mang ý nghĩa trấn trạch, cầu an.
Trong văn hóa người Việt, các tranh Lợn không chỉ là tranh chơi, mà còn có tranh hóa mã. Cặp đôi con Lợn trong tranh dân gian Làng Sình (Huế) lại sử dụng cho việc này. Nó cũng đồng thời thể hiện ra ý nghĩa về sự hóa sinh. Hóa một bức tranh Lợn để cầu an bình, để chăn nuôi được thịnh vượng cũng có nghĩa tạo cho cuộc sống no đủ. Đôi lợn trong tranh dân gian Làng Sinh có lẽ là cặp đôi mang tính khái quát nhất trong các bức tranh dân gian. Hai con lợn nái đen béo ụt ịt châu đầu vào cùng một chiếc máng hình chữ nhật ở giữa tạo nên sự đăng đối cũng có nghĩa là âm dương giao hòa.
Một mùa xuân mới lại về, tranh dân gian Kim Hoàng tưởng chừng đã thất truyền, nhưng nay đã được khôi phục bởi một số nhà nghiên cứu mỹ thuật và nghệ nhân dân gian. Thần kê và Lợn độc lại xuất hiện trở lại. Màu đỏ của tranh lại tươi rói xuất hiện trên một số sạp bán tranh rồi tìm lối về với những người hiếu cổ và yêu nghệ thuật hội họa của cha ông. Những con lợn nái béo tốt của Làng Sình với quan niệm hóa âm để có dương. Rồi những Lợn đàn, Lợn ăn lá Ráy Đông Hồ vẫn trường tồn, thân thiện gần gũi và đầy ăm ắp những giá trị biểu tượng, vẽ nên hồn cốt của ngày Tết Nguyên Đán năm Hợi. Mua vài bức tranh dán trên vách xưa, có lẽ không chỉ là mua một niềm vui nho nhỏ để tâm hồn trở về một dĩ vãng của dân tộc, mà còn là rước niềm vui cùng ước vọng xưa cha ông ngàn đời cho một cái Tết đủ đầy bình an.
0 bình luận