Hiện nay, nhà nước cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ trên cơ sở tiếp thu, tìm tòi, phát hiện cái mới để đưa ra những tác phẩm phong phú và đa dạng nhưng cũng không quên việc gìn giữ bản sắc dân tộc.
Hội nhập là cơ hội để các nghệ sĩ giao lưu, sáng tác nhưng nhìn lại cũng cho thấy mỹ thuật Việt Nam thời kỳ hội nhập còn nhiều việc phải làm để theo kịp dòng chảy chung của nhân loại. Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 nghệ sĩ sáng tác (theo danh sách hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam), hàng nghìn gallery hoạt động, và hàng trăm triển lãm nghệ thuật diễn ra mỗi tháng đã chứng tỏ sự sôi động và hào hứng của đời sống mỹ thuật nước nhà. Không những thế, hàng năm còn có tới vài trăm họa sĩ trẻ đưa tác phẩm của mình đi triển lãm và trao đổi nghệ thuật với nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là thời kỳ mang lại cho các nghệ sĩ điều kiện sáng tác và làm việc tốt nhất. Và cũng chính qua quá trình trao đổi thông tin diễn ra cởi mở mà các nghệ sĩ đã sáng tác và cho ra đời các tác phẩm có chất lượng và có ảnh hưởng, giao lưu các nền văn hóa khác nhau. Nếu nhìn vào những tác phẩm được công bố trong hai mươi năm vừa qua, cho thấy bước đột phá và cách tân sâu sắc về hình thức biểu hiện trong sáng tác của các nghệ sĩ. Nghệ thuật đã phát triển mạnh thành nhiều xu hướng và tạo hình khác nhau như: cực thực, siêu thực, trừu tượng… Đặc biệt, các nghệ sĩ trẻ với bản tính năng động đã bắt nhịp và nhập cuộc với dòng nghệ thuật đương đại quốc tế như Pop art, Installation art, Performance art, Video art, Digital-art… Những hình thức nghệ thuật thị giác mới này, sau một thời gian bị nghi ngại, cảnh giác, đã dần được giới mỹ thuật và công chúng mặc nhiên đón nhận và coi đó như là một phương tiện biểu đạt nghệ thuật mới và là dòng chảy của mỹ thuật đương đại Việt Nam khi vấn đề “toàn cầu hóa” đang trở nên có ảnh hưởng rất lớn tới nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam.
Nhìn lại tất cả các triển lãm nghệ thuật đương đại diễn ra tại Việt Nam, có thể thấy nghệ sĩ đương đại mong muốn có không gian công cộng phù hợp để thực hiện tác phẩm, không muốn riêng tư hoá nghệ thuật của mình, tuy rằng đôi khi vẫn có người nói không quan trọng chuyện có ai đến xem hay không… thế nhưng, tại sao công chúng đến với loại hình nghệ thuật này vẫn hạn hẹp thế? Vẫn e dè, thụ động thế? Phải chăng có một sự tắc nghẽn “giao thông” nào đó đang xảy ra trên tiến trình thông hiểu lẫn nhau giữa nghệ sĩ và công chúng?
Từ sau đổi mới, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực và trong đó có cả mỹ thuật. Nghệ thuật thoát dần khỏi sự ràng buộc của phương pháp hiện thực do tác động chính của kinh tế, xã hội. Hội nhập và mở cửa đã làm cho nghệ thuật đa dạng và phong phú về bút pháp cũng như tư tưởng. Hoạt động nghệ thuật đi vào chuyên nghiệp, do vậy có sự tách biệt dần dần giữa mỗi cá nhân. Xuất hiện rất nhiều loại hình nghệ thuật mới như Sắp đặt, trình diễn, pop art, video art… cho thấy sự thay đổi về thẩm mỹ và tư duy của cả một thế hệ mới với nền văn minh tiêu thụ, truyền thông đại chúng và xu thế toàn cầu hóa.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cùng với những tác động của quá trình toàn cầu hoá thông qua sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp du lịch và công nghệ truyền thông cũng như chính sách “mở cửa” văn hóa , trên mặt bằng nghệ thuật thị giác Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những thay đổi khá quan trọng. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất, đó là sự thay đổi ở thành phần tham gia thực hành nghệ thuật.
Nghệ thuật đương đại thời kỳ sau đổi mới với những cái tên như Bảo Toàn, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Đinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Văn Cường, Trần Lương, Đào Anh Khánh, Lê Quảng Hà, Ly Hoàng Ly, Jun Nguyễn- Hatsushiba,Trần Trọng Vũ, Lê Quang Đỉnh (Dinh Q. Le), Lý Trần Quỳnh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Ngọc Dương, Vương Văn Thạo… Và sau này là Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Phan Hải Bằng, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Phương Linh, Tuấn Mami, Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Quốc Thành, Nguyễn Ban Ga, Nguyễn Trần Nam, Nguyễn Huy An, Vũ Đức Toàn, Lê Nguyên Mạnh, Lê Anh Hoài, Nguyễn Thuỷ Tiên, Đỗ Hiệp, Doãn Hoàng Kiên, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Khắc Chinh, Lê Trần Hậu Anh… Nhìn từ một góc độ nào đó thì các nghệ sĩ trẻ đã hoạt động theo xu hướng đương đại tại Việt Nam có tiếp xúc các sự hỗ trợ từ những tổ chức văn hóa phi (hoặc thuộc) chính phủ như viện Goethe, Hội đồng Anh hay Trung tâm văn hóa Pháp, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc và những nhóm hoạt động như Nhà sàn Collective, Sàn Art, A Farm, Trung tâm nghệ thuật đương đại Factory, Heritage space, New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)… đã có tác động rất tích cực và cụ thể vào môi trường nghệ thuật đương đại của Việt Nam. Thông qua những hoạt động đa dạng của các nhóm và cá nhân ấy, từ tổ chức triển lãm, tổ chức trao đổi nghệ thuật, tổ chức các trại sáng tác giao lưu giữa nghệ sĩ nước ngoài và nghệ sĩ địa phương, đến giới thiệu các nghệ sĩ địa phương với các tổ chức nghệ thuật khu vực và quốc tế, môi trường nghệ thuật đương đại tại Việt Nam cũng đã bắt đầu có những bước biến chuyển theo hướng tích cực hơn cả về mặt thực hành lẫn thông tin, làm tiền đề cho những thay đổi.
Từ sau mở cửa và đổi mới, nghệ thuật Việt Nam chứng kiến sự phát triển bùng nổ không chỉ hội hoạ hiện đại, mà bên cạnh đó còn có cả những thử nghiệm nghệ thuật mới như sắp đặt, trình diễn, pop art, video art, digital- art, cái mà trên thế giới nói chung gọi là nghệ thuật đương đại- contemporary art. Các hình thức nghệ thuật đương đại đã được dư luận báo chí, văn đàn nghệ thuật thời gian qua đề cập tới khá nhiều, và là đề tài gây tranh cãi bởi tính tiên phong, cực đoan của nó. Bên cạnh sự thay đổi đột ngột về hình thức, chất liệu, phương tiện nghệ thuật, là sự thách thức, gây sốc về cảm giác và thẩm mỹ, bên cạnh sự thay đổi các giá trị nghệ thuật, sự đi ngược hoàn toàn các quan niệm truyền thống về cái đẹp và giá trị vĩnh hằng, là tính xã hội hoá nghệ thuật, “pop hoá” nghệ thuật, và cuối cùng là sự can thiệp trực tiếp của nghệ thuật vào các vấn đề chính trị, xã hội, môi trường và con người trong bối cảnh toàn cầu hoá. Nghệ thuật đương đại xuất hiện và đã từng bước phát triển ở Việt Nam, còn hiệu quả đến đâu lại là chuyện của tài năng, sức người và hoàn cảnh cụ thể, điều đó cũng chỉ ra rằng lịch sử phát triển là tất yếu. Một tác phẩm nghệ thuật đương đại đích thực, xuất sắc, thì cho dù ở đâu cũng đều phát ra những tín hiệu riêng đầy tính sáng tạo mới mẻ và thách thức của nó.
Năm 2005, Viện Mỹ thuật- Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức một hội thảo chuyên đề về nghệ thuật đương đại, với tên gọi “Vấn đề hình thức và chất liệu trong nghệ thuật đương đại”, và cũng trong suốt thời gian qua, truyền thông báo chí cũng đã đề cập nhiều tới vấn đề này, với những ý kiến lộn xộn, khác nhau. Người thì ủng hộ những loại hình nghệ thuật mới, người lại cho rằng đó là một trong những thứ nhố nhăng của xã hội toàn cầu…nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận một điều rằng nghệ thuật phát triển hay đổi thay là một tất yếu của lịch sử nghệ thuật.
Cuộc trình diễn ngẫu hứng đầu tiên của Trương Tân năm 1994 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, quấn mình trong vải trắng và dây thừng, đứng tạo dáng như một pho tượng bị liệm, được coi là khởi điểm của các thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Sau đó, nghệ sĩ Trương tân có khá nhiều triển lãm tranh kết hợp với happening hay performance ngẫu hứng tại các địa điểm riêng, hay bán công khai, thường chỉ có bạn bè nghệ sĩ biết đến. Tranh của anh mang nhiều tính pop, graffiti, rất táo bạo, nghệ sĩ là người đầu tiên đề cập thẳng thắn tới vấn đề sex và đồng tính trong xã hội, một điều mà trước đây bị coi là cấm kỵ. Bên cạnh tranh vẽ và performance, Trương Tân có một số tác phẩm sắp đặt như: Váy cô dâu (2002), Những con chim di cư (2003), Vũ công (2005), Cái bỉm (2007)… nghệ thuật của anh luôn có yếu tố hài hước, ẩn dụ, chứa đựng những thông điệp đa chiều về khuôn thước xã hội. Ví dụ, Váy cô dâu nhìn xa rất lãng mạn, nhưng lại gần thì chất liệu không phải bằng satin hay voile thướt tha, mà được kết bằng chuỗi xích sắt hết sức nặng nề, bi hài, còn hình tượng Vũ công đáng lẽ phải bay nhảy thì lại bị giam hãm trong căn buồng chật chội và đứt hết chân tay, một cảnh tượng phi lý, bất trắc, đem lại cảm giác đau đớn. hay đó cũng là một dạng thông điệp về cái chết của tự do và sáng tạo. Cái bỉm (2007) là tác phẩm nổi tiếng khác của Trương Tân, do chính nghệ sĩ tự tay thiết kế, nó không nhỏ như cái bỉm của trẻ con mà có thể to gấp 100 lần như thế, phía trong được may rất công phu bằng 138 cái túi áo ngực (kiểu túi áo đại cán) nối lại, để chứa các “chất thải đặc biệt” của con người. Cái bỉm hướng thẳng đến tệ nạn tham ô hối lộ đang hoành hành trong xã hội bằng tiếng cười mỉa mai châm biếm. Nghệ sĩ Trương Tân luôn được coi là người đi đầu có nhiều ảnh hưởng đối với các nghệ sĩ đương đại Việt Nam.
Nguyễn Minh Thành thời kỳ đầu được biết đến với những tác phẩm sắp đặt độc đáo bằng các chất liệu dân dã đời thường như nón, guốc, quang gánh, bu gà, hương nhang, vàng mã… kết hợp với việc treo tranh, đem lại một cách nhìn mới về nghệ thuật không gian, đồng thời qua đó thể hiện những suy nghĩ nội tâm phức tạp của tác giả, những ẩn dụ về mâu thuẫn thế hệ, sự va đập giữa văn hoá truyền thống và hiện đại, ý nghĩa của sự sống và cái chết… (Một câu chuyện như mọi câu chuyện khác 1997, Một con đường, đồng lúa, Thư gửi mẹ 1999). Càng về sau, nghệ thuật của anh hướng tới tính ý niệm, tính thiền và triết lý nhân sinh sâu sắc. Tác phẩm những quân bài (2005) là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của minh thành. Anh vẽ những quân bài tú lơ khơ đặc biệt của nhân loại và chia đều thành 4 phần, tất cả được lật mở và trải ra mặt đất, giống như người ta chơi trò bói bài tây. Bốn phần này có tên gọi: www.success.com (miền thành tích), www.war.com (miền chiến tranh), www.fame.com (miền danh vọng), và cuối cùng là www.love.com (miền tình yêu). Miền chiến tranh có các quân bài j, q, k… như thông lệ nhưng mang hình ảnh của G. Bush và Sadam Husein đối ngược nhau. Tương tự, miền danh vọng có hình ảnh mẹ Teresa và ca sĩ Michel Jackson, miền tình yêu chỉ có hình ảnh Phật, còn miền thành tích có rất nhiều người đàn ông đàn bà ngực đeo đầy huy chương, hãnh tiến. Các số phận bình đẳng và phù du như nhau, đều nằm trên mặt đất trong một ván cờ lớn của thượng đế và nhân loại. tác phẩm đặt ra rất nhiều câu hỏi cho người xem, trong đó có cả câu hỏi: chúng ta sẽ rơi vào miền nào đây? Ở một tác phẩm khác Xin hãy tặng tôi một đồ vật của bạn (2005), Minh Thành bất ngờ thay đổi chủ ngữ của một khẩu hiệu quen thuộc để biến thành một khẩu hiệu mới: “nghệ thuật vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, qua đó anh phá vỡ cái nhìn thông lệ, nhận thức thông lệ của con người, stop thói quen suy nghĩ thuận chiều của họ theo các định ước, chuẩn mực sẵn có trong xã hội. cũng ở đây, nghệ sĩ còn đưa ra hai khẩu hiệu: “nhìn đồ vật như nghệ thuật, đừng nhìn nghệ thuật như đồ vật” và“nhìn nghệ thuật như đồ vật, đừng nhìn đồ vật như nghệ thuật”- đó là hai khái niệm trái ngược nhau về nghệ thuật, một mới một cũ. Sự chơi chữ vòng vo này dường như trêu trọc nhận thức của người xem, buộc họ phải dành một thời gian nhất định để suy ngẫm nghiêm túc. ở một khía cạnh khác, nó gợi về một hiện thực xã hội tồn đọng quá nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ, ngôn từ, ngay cả khi chúng có thể đã trở thành sáo rỗng, cũ kỹ, lỗi thời, không còn mấy tác dụng.
Sắp đặt của nghệ sĩ Nguyễn Bảo Toàn giàu yếu tố trang trí và mỹ cảm truyền thống tiếp thu từ các nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Rằm tháng bảy (1999) và Đồng đội (2000) là hai tác phẩm có qui mô lớn, hoành tráng, gợi về chiến tranh và tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong chiến tranh. Có thể nói, nghệ sĩ Bảo Toàn thường tạo được bầu không khí tinh thần riêng biệt, mỹ cảm riêng biệt cho các installation của mình, gây xúc động và tác động lên giác quan của người xem.
Đào Anh Khánh là nghệ sĩ performance khá nổi tiếng. anh có một số performance kết hợp installation ngoài trời thành công vào những năm 1999 đến 2003 (Hoà cùng vũ trụ), "Đáo xuân"… tại nhà sàn- Gia Lâm, Hà Nội và gần đây nhất là Đáo xuân 12 tại Hòa Bình), tạo ra các không gian nghệ thuật tổng hợp công phu (kết hợp âm thanh, ánh sáng, dàn dựng sân khấu), có tính thẩm mỹ cao, thu hút nhiều người xem. Các trình diễn của nghệ sĩ là sự thăng hoa những xúc cảm bản năng, ngẫu hứng, qua đó thể hiện sự khát khao trở về với đời sống thiên nhiên, bản năng, nguyên thuỷ, khát khao bộc lộ cái tôi cá nhân tự do của người nghệ sĩ. Điều này là mới lạ và táo bạo trong một xã hội còn nhiều dè dặt, che đậy và nhòe mờ cá tính. Các performance art sau này của anh có vẻ chuyển dần sang tính chất múa đương đại.
Cũng biểu lộ sự hoà nhập giữa con người với thiên nhiên, ẩn dụ về sự sống và cái chết, về vòng quay luân hồi ngắn ngủi, Phạm Ngọc Dương sử dụng hình ảnh của hoa, bướm, sâu bọ để làm nên một số tác phẩm gây ấn tượng thị giác đặc biệt (Bướm và hoa 2001, Ranh giới, Dưới kính lúp, Bầu trời xanh 2004, Đen và trắng 2004…) mầu sắc và chất liệu mang đầy hơi hướng thẩm mỹ đèm đẹp và mang tính pop art cao.
Ly Hoàng Ly vừa là nhà thơ, vừa là nghệ sĩ sắp đặt và trình diễn, chị dùng hoa hồng để diễn đạt một triết lý khác về thân phận người phụ nữ: vẻ đẹp và nỗi đau, tình yêu và bi kịch… (performance Hoa hồng và gai, 2002). Chiếc hòm di sản (2007), Ly Hoàng Ly trộn lẫn hoa hồng thật và hoa hồng giả bằng nhựa rồi “hoá thạch” để gửi lại cho thế hệ sau. Một thông điệp về sự lẫn lộn các giá trị thật và giả rất nhiều trong xã hội hiện nay, liệu mai sau có phân biệt?
Tính khoa trương, giả dối, thực dụng, kém chất lượng và lối sống “mỳ ăn liền” của con người trong xã hội thị trường còn được gửi gắm trong tác phẩm Cái lốt (2003) của Lê Vũ, trưng bày một chiếc giường làm bằng chất liệu mỳ ăn liền, và đầu giường treo một bức ảnh viện- chân dung tác giả phóng to, bóng bẩy, đẹp trai, tự huyễn, đóng khung cũng bằng mỳ ăn liền. Ở một performance khác mang tên Cha và con (2006), nghệ sĩ tự nguyện nằm sấp dưới đất, để cha mình nằm trên lưng bắt chân chữ ngũ ngân nga lẩy kiều. Anh vã mồ hôi, nhẫn nại chịu đựng hàng giờ. Cuộc trình diễn như một thông điệp về sự khác biệt thế hệ, sự chịu đựng lẫn nhau, sự đè nặng của quá khứ và truyền thống… gợi nhớ về một performance khác có tên gọi “Mẹ và con” (1996) của Trương Tân và Nguyễn Văn Cường, khắc nghiệt hơn, gây hấn hơn. Trương Tân quằn quại dưới đất trong màu sơn đỏ máu me, ghê rợn, và để cho cường dùng chổi quét đi như quét một con vật hiếu chiến, bạo lực…
Nạn hành chính cửa quyền, giả dối, tiêu cực xã hội ở mức báo động đỏ còn được đặt ra ở tác phẩm sắp đặt Tương phản 2003 của Nguyễn Trí Mạnh. Vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường và toàn cầu hoá được thể hiện trong Chảy 2000 của nghệ sĩ Trần Lương. Bên cạnh đó, một mảng hiện thực khác của xã hội như: sự phân hoá giàu nghèo, những số phận vỉa hè, lang thang cơ nhỡ lại hiện lên ở các video art và performance của Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Quang Huy…
Muối (2009) là một tập hợp tác phẩm bao gồm 3 cụm tác phẩm điêu khắc tại chỗ được làm từ muối có tên là Núi, Thuyền và Tan chảy, một tác phẩm sắp đặt được làm bằng 700 chiếc quần áo cũ nhiều màu sắc có tên là Hoa, mười một hình ảnh chụp “lơ đãng”- theo cách nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh nói và cuối cùng là một video phim tài liệu về diêm dân (những người làm muối).
Trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây, cùng với tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, du lịch và công nghệ truyền thông cũng như chính sách mở cửa văn hóa, nghệ thuật đương Việt Nam đã bắt đầu có những thay đổi khá nhanh. Một trong những thay đổi rõ rệt nhất được gọi là nghệ thuật đương đại bao gồm (thực hành nghệ thuật, hay những loại hình nghệ thuật mới như trình diễn, sắp đặt, video art, pop art, body art…). Đó chính là sự thay đổi về tư duy của cả một thế hệ với nền văn minh tiêu thụ, truyền thông và xu thế toàn cầu hóa.
Ở Việt Nam, vì nhiều lý do mà nghệ thuật vẫn là một lĩnh vực xa lạ đối với số đông. Xã hội vừa trải qua chiến tranh còn nhiều lo toan, kiếm sống, vả lại, con người ít có điều kiện được làm quen với nghệ thuật. Trong số công chúng còn lại của nghệ thuật, đa số mới chỉ dừng ở thẩm mỹ truyền thống và thẩm mỹ hiện đại, ưa thích cái đẹp, tính trang trí và tính sử dụng. Như vậy, có thể nói, các thử nghiệm nghệ thuật đương đại không có nhiều công chúng. Và rất tiếc, đôi khi nó vẫn vấp phải rào cản thô bạo của sự kiểm duyệt. Nghệ thuật và mọi quan niệm về nghệ thuật đang thay đổi, cũng như cả thế giới đang thay đổi trong quá trình số hoá và toàn cầu hoá. Không ai có thể nói trước được điều gì cho ngày mai. Song, nghệ thuật cũng như cuộc sống không thể dừng lại. Như vậy, thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đã chạm tới những vấn đề phức tạp như: tự do và giới tính, con người và bản năng, triết lý nhân sinh, ô nhiễm môi trường, chiến tranh bạo lực, đạo đức xã hội…, là những vấn đề mà trước đây không dễ nhìn thấy ở nghệ thuật hiện đại, cũng như không dễ gì thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa- điêu khắc thuần tuý. Các thực hành nghệ thuật này mang màu sắc văn hoá xã hội riêng của Việt Nam.
0 bình luận