“Nông thôn mới” diễn ra tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 19 /5 đến 29/5 quy tụ 52 nghệ sĩ với 52 tác phẩm. Các tác phẩm với những chất liệu phong phú và bút pháp tạo hình giàu sức trẻ đã khắc họa được phần nào bức tranh toàn cảnh về công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Điều đặc biệt ở lần này là sự xuất hiện các tác phẩm của đoàn họa sĩ Hội Mỹ thuật Việt Nam về trang trại TH True Milk của tập đoàn TH – một đại diện điển hình cho sự thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kết hợp làm giàu và phát triển hạ tầng địa phương – trong một chuyến đi thực tế do Hội tổ chức cuối tháng 4 vừa rồi.
Những chuyến đi thực tế sáng tác với mỗi người hoạ sỹ thật chẳng có gì lạ lẫm, đối với riêng bản thân tôi cũng vậy. Hàng năm Hội vẫn tổ chức cho các hoạ sỹ rất nhiều chuyến đi về trại sáng tác dành riêng cho các văn nghệ sỹ ở khắp nơi trên cả nước. Thế nhưng đây lại là lần đầu tiên đoàn hoạ sỹ chúng tôi về trải nghiệm thực tế về sự phát triển của các vùng nông nghiệp địa phương để lấy cảm hứng cho sáng tác của Câu lạc bộ Xây dựng Tổ quốc với đề tài năm nay là “Nông thôn mới”. Đây là chuyến đi ngắn nhất nhưng lại để lại nhiều dư âm nhất. Lần đầu tiên chúng tôi về với Trang trại TH True Milk tại Nghĩa Đàn, Nghệ An.
Việc đầu tiên của chúng tôi là: Thăm bò TH. Cả đoàn thích thú được mặc áo trắng của TH đi thăm trang trại bò sữa. Khi lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy bò xếp hàng đi vào vắt sữa rồi đi ra, dáng điệu rất ung dung thong thả. Người TH đã giải thích cho chúng tôi biết về vòng đời của các chú bò theo chu kỳ, từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Mỗi con bò được đánh số và gắn chíp điện tử ở chân để theo dõi sức khoẻ, kiểm soát dấu hiệu của sức khoẻ. Bò uống nước, ăn sạch và nghe nhạc cổ điển. Âm nhạc như một loại hình phi vật thể dinh dưỡng đối với bò, phát triển cảm xúc tích cực và kích thích tuyến vú sữa, cho những sản phẩm sữa chất lượng. Nhắc đến đây lại nhớ tuổi thơ của tôi gắn liền với những năm tháng chăn trâu, thả bò trên đồng cỏ. Chăn nuôi bò đẻ là nguồn thu nhập chính của cả làng tôi. Tôi cảm được rất rõ mùi của bò, kể cả mùi phân của bò con non mới đẻ. Đó là mỗi sáng khi vẫn còn ngái ngủ phải vào chuồng bò dọn phân, lấy cám. Những ngày không đến trường thì thả bò, cắt cỏ. Tôi có thể cưỡi trên lưng chúng chạy khắp làng, tôi biết cách điều khiển chúng một cách dễ dàng, tôi hiểu thói quen của chúng. Dân làng tôi vẫn thường mời bò ăn bánh chưng ngày tết. Thứ nhất là cúng ông bà, thứ hai là mời bò, thứ ba mới là cả nhà cùng ăn. Thế rồi lần lượt mấy chị em tôi vào đại học, bố mẹ phải bán dần đàn bò ấy. Cũng gần 10 năm rồi làng tôi không còn hình bóng của bò nữa.
Khi được dẫn đi thăm nhà máy sản xuất sữa tươi sạch, nhà máy nước theo dây chuyền Krones Đức đạt tiêu chuẩn EU, thật thích thú với công nghệ tự động hoá. Người TH tự hào: “Ly sữa Israel được đánh giá là hàng đầu thế giới và ly sữa TH đã dùng công nghệ của Isarael cũng là ly sữa hàng đầu thế giới”. Ngoài ra chúng tôi còn đi thăm dự án rau sạch FVF. Tất cả là niềm tự hào của TH. Chúng tôi đặc biệt thích thú trên cánh đồng thu hoạch cỏ Mombasa bạt ngàn. Buổi chiều hôm đó thật đẹp, cả vùng quê Nghĩa Đàn đầy nắng ấy lại như một bức tranh trời tây thu nhỏ. Mọi người đều ồ lên thích thú: “Ôi trông như được lạc vào tranh của Claude Monet với Van Gogh ấy nhỉ?”. Anh dẫn đoàn đẹp trai phân bua: “Đợt này các anh chị về đây là cuối đợt thu hoạch cỏ rồi, nên máy móc đã nghỉ làm việc rồi đấy”. Chúng tôi cũng biết thêm về quy trình làm đất gieo hạt. Mùa nào có hoa Hướng dương, mùa nào có ngô, mùa nào có mía… Tôi chợt nghĩ: Điều gì khiến người TH nói về TH đầy say mê, tâm huyết và tự hào đến vậy? Ngay cả một nhân viên đã nghỉ làm ở TH vẫn yêu tha thiết với TH đến vậy. Chị là người đã kết nối cho đoàn hoạ sỹ chúng tôi về đây và không quên lời dặn: “Hãy gọi là Cows nhé!” Spiderum đã từng nói rằng: “Hạnh phúc không phải là một điểm đến mà là một quá trình chúng ta đi”. Đó có thể là vì sao khi sáng lập bà Thái Hương- người có pháp danh Diệu Huệ lại lấy tên là TH – tên viết tắt tiếng anh của cụm từ “ Hạnh phúc đích thực”. Người TH Cows cũng giống như hoạ sỹ yêu những bức tranh của họ vậy.
Trong đó quá trình để sáng tác ra nó lại chứa đầy những cung bậc cảm xúc. Nhưng nói chung những người nghệ sỹ chúng tôi dù đi đâu hay làm gì cũng dễ yêu, dễ rung động. Tôi yêu cuộc sống này và luôn nhìn nhận nó theo chiều hướng tích cực. Sau chuyến đi này, tôi sẽ vẽ về TH như thế nào trong công cuộc đổi mới? Vẽ làm sao để mọi người nhận ra được đấy là Farm của TH giữa Nghĩa Đàn, Nghệ An? Vẽ làm sao để Cows Holstein mang đặc trưng của Cows TH chứ không phải là Cows ở đâu đó? Đấy là công việc khó khăn của nghệ sỹ. Vì giá trị đích thực đi vào lịch sử đôi khi không phải là những con số hay dữ liệu lưu trữ. Nó hoàn toàn là những bức tranh. Cảm hứng của hoạ sỹ đôi khi cũng không đến từ việc soi xét thực tế mẫu ra sao để cố nắm bắt và thể hiện nó. Đó là quá trình chúng ta đi trên chuyến đi đó. Có nhiều cuộc gặp gỡ ngắn ngủi rồi trở thành tri kỷ. Sau mỗi cuộc hành trình tôi lại có nhiều kỷ niệm hơn, tôi nhớ về mỗi người rõ nét hơn. Tôi nhớ về anh Thái – người lên kế hoạch nhưng không đi cùng đoàn, vẫn từng giờ hóng tình hình của chúng tôi từ Hà Nội. Tôi nhớ về anh Sơn – người cầm lái luôn bình tĩnh tự tin giữ vững tay lái suốt chặng đường dài không nghỉ. Anh luôn đi sau chụp lại những bức ảnh chân dung đẹp hay tập thể cho đoàn. Chuyến đi sẽ thiếu đi tiếng cười vui vẻ nếu không có các cô giáo luôn ca hát ngâm thơ, chặng đường 4-5 tiếng giữa trưa nắng gắt mà trở nên ngắn hơn. Cả đoàn thì ai cũng nhớ nhất anh Ninh trẻ nhưng lại luôn chậm chạp trong giờ giấc quy định. Nhưng anh lại là người chăm tốc hoạ mỗi khi ghé qua các trang trại. Đêm duy nhất ở Farm, mọi người ngồi ký hoạ nhau, tôi thích cái không khí ấy. Một ly sữa có thể xoá tan đi bao sự mệt mỏi khó khăn trong cuộc đời. Người hoạ sỹ được sáng tác như một phần của cơ thể đang sống.
0 bình luận