Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành Lũy, Kim Đính, Nguyễn Thị Nguyệt, Minh Tần, Văn Phú, Đào Đức, Hoàng Sùng, Ngọc Linh, Cần Thư Công, Cao Xuân Ngoạn, Nguyễn Cửu Phú, Lê Bách… là những cái tên nghệ sĩ có tranh cổ động trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họ đã trở thành một phần của lịch sử mỹ thuật thời mở đầu xây đựng đất nước trong hòa bình…
Đứng trước 26 tranh cổ động của các bậc trưởng thượng, tận mắt xem các bản vẽ tay trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam được trưng bày ở 16 Ngô Quyền Hà Nội, đã gợi lại cho tôi cả một thời. Xa lắc từ sau 1955, kiến thiết đất nước sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, rồi sau đó là những ngày đấu tranh thống nhất. Đấy là thời cả dân tộc hồ hởi với những ngày hoà bình đầu tiên không còn tiếng bom đạn. Thời ấy mọi người dân chỉ biết nghe theo chính quyền, đói no chịu đựng. Sau cải cách ruộng đất, cuộc sống người dân thiếu thốn đủ bề, để đồng lòng đi vào công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước. Năm 1958, đất nước vẫn trong tình trạng dân mù chữ còn triền miên, nên mọi việc thực sự không dễ dàng. Đó là một thời khác hẳn hôm nay. Nghĩa là hôm nay chẳng còn dấu vết gì của cái thời chân chỉ nghèo khó ấy. Hôm nay diện mạo cuộc sống đã khác xa lắm thời áo vải chân đất. Một, hai thế hệ cận kề hôm nay chắc chắn không thể hiểu nổi.
Những họa sĩ tiền bối tiền bối Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ Thành Lũy, Kim Đính, Nguyễn Thị Nguyệt, Minh Tần, Văn Phú, Đào Đức, Hoàng Sùng, Ngọc Linh, Cần Thư Công, Cao Xuân Ngoạn, Nguyễn Cửu Phú, Lê Bách… những cái tên có tranh cổ trong bộ sưu tập này của Hội là con người của thời đó. Rồi tiếp sau còn nhiều nữa những tên tuổi như Ngô Nguyên Dị, Thục Phi, Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Bích, Huy Toàn, Lê Thanh Đức, Đào Đức, Mai Long. Mai văn Hiến, Nguyễn Thụ, Huy Oánh cũng đều từng vẽ tranh cổ động mà thời gian chiến tranh nhiều tranh đã thất lạc và mất mát…Thời ấy, nhà nước có hẳn một xưởng tranh cổ động quốc gia chỉ sáng tác in ấn tranh áp phích. Họa sĩ nào ít cũng một hai lần vẽ áp phích.
Tranh cổ động thời kỳ những thập niên 1950 vẽ giản dị, khẩu hiệu của từng áp phích cũng giản dị, hiểu biết cũng đơn giản: ví dụ một áp phích có dòng khẩu hiệu “Công nghiệp hóa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa” thì vẽ đơn giản anh công nhân đang cầm cây sắt chọc vào cửa lò luyện, ngoài ra không còn chi tiết nào nữa, rất chung chung. Hoặc “Dân tộc đoàn kết để xây dựng miền Bắc”; “Vững mạnh đấu tranh thống nhất nước nhà” hoặc có bức đơn giản đến tối giản với 4 từ: “Lao động kiến thiết!”. Năm 1958 đất nước còn đang trong giai đoạn xóa nạn mù chữ. Nên những áp phích vận động vẫn còn đấy. Đây cũng là thời gian bắt đầu xây dựng một nhà nước mới mà vừa xây vừa làm vừa học. Động viên sản xuất thì cứ “ Trời xanh mây trắng lúa vàng/ công nông binh sĩ xếp hàng tiến lên” rất công thức.
Sau này khi quá quen với những tranh cổ động ồn ào thời đánh Mĩ phần lớn hình gân guốc, màu thì đỏ đỏ rực máu lửa, cấu trúc cầu kì phúc tạp, hôm nay được ngắm những bản gốc tranh áp phích đời đầu của các tiền bối tôi thực sự ngạc nhiên và thú vị vì tranh cổ động vẽ vừa “dễ dàng vừa ngây thơ”. Tiếng nói đồ họa trong áp phích rất yếu. Tính chất áp phích phải là va đập mạnh thì ở đây màu sắc đa phần trung tính. Hầu hết tranh các cụ vẽ đều hiền lành, đôn hậu không gân guốc bạo lực, cứ nhẹ nhàng thủ thỉ như những câu chuyện nhân ái đồng quê, bỏ vào tai nhau những ý tưởng tốt đẹp tiến bộ nhưng cũng mơ hồ. Chỉ một lòng mong ngày mai tương lai tươi sáng. Chính vì vậy câu chữ không lê thê giải thích vòng vèo. Cuộc sống sau chiến tranh tạm đủ miếng cơm ăn thì mong những điều tốt đẹp sẽ dần hiện lên cho con cháu đó là ước mơ cũng đơn giản và tình thực như vậy chứ chẳng có gì cao xa hơn đâu.
Những tranh thời ấy vẽ màu bột, thường kiệm sắc, vẽ đơn giản để tách ra bản khi in. Chừng ba bốn bản gỗ cho 3, 4 lần in. Áp phích thường in hàng vạn bản. Ít thì cũng năm năm nghìn. In xong phân phát đi khắp nơi dán tường trên các bảng tin sơ sài phên nứa hoặc may thì được trên tấm gỗ. Tranh nào họa sĩ vẽ vờn gợi khối thì khi tách bản chồng màu thì lại phải làm phẳng hết. Lúc ấy in chỉ có máy in ti- pô sắp chữ chì, bản khắc kẽm đế gỗ khoặc bản khắc gỗ để in phẳng chứ làm gì có “ốp sét” in lô như bây giờ.
Các họa sĩ vẽ tranh cổ động theo từng đợt vận động qua Hội hoặc đoàn thể nào đó. Mọi họa sĩ đều tự nguyện làm việc. Nhận vẽ thì được cấp chút giấy màu, đất nước nghèo không có hai chữ “đầu tư”. Tranh cổ động được in hầu như không có nhuận bút, chỉ được trả một chút tiền công như thù lao. Được in là vinh dự lắm rồi. Ai cũng như nhau, nghĩ đến trách nhiệm đóng góp cho đất nước là chính, nên làm việc tính như một nghĩa vụ, mặc dầu chẳng bắt buộc ai. Lúc nào cũng trên tinh thần toàn dân một ý chí tất cả cho sản xuất, tất cả để thắng giặc.
Nhớ các ông, những họa sĩ đi đầu trong vận động kháng chiến kiến quốc. Các ông thật hiền hậu và vẽ những bức tranh cổ động cũng hiền hậu. Lời khẩu hiệu trên tranh cũng từ tốn, bình dị. Tôi nhận ra các tiền bối là lớp người khác xa chúng ta hôm nay. Các ông sống thật nhẹ nhàng, vẽ cũng nhẹ nhàng đơn giản, sự truyền cảm đạt đến cái bình dị tối đa chứ không gắt gao mệnh lệnh. Đó là tất cả những gì tôi nhận ra trong cuộc trưng bày tranh cổ động của một thời chưa xa lắm.
Hôm nay các ông các ông đã đi xa. Nhưng tác phẩm cổ động của các ông để lại đã thành một phần của lịch sử mĩ thuật có giá trị của nước nhà.
Các tác phẩm cổ động:
0 bình luận