30 năm nghệ thuật đương đại Việt Nam: Ngộ nhận và cơ hội

Có nhiều quan điểm khác nhau (thậm chí mâu thuẫn) về lịch sử và lịch đại của nghệ thuật thuật đương đại Việt Nam, từ sau Đổi mới (1986) đến nay, sau gần 30 năm, vẫn chưa có tiếng nói nhất quán. Bởi một nghĩa nào đó, “đương đại” cũng là đang và sắp diễn ra, nên luôn sinh động, biến thiên, khó nắm bắt. Điều này cũng tương tự như việc ngày nay chúng ta nhìn về các cột mốc mỹ thuật thời phục hưng, thời baroque, cổ điển, ấn tượng, hiện đại… sẽ thuận lợi hơn thời đó người ta nhìn về chính họ. Chính vì vậy, với nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn hiện diện nhiều ngộ nhận, và cũng là cơ hội.
Không có một định nghĩa cụ thể, bất biến cho nghệ thuật đương đại Việt Nam, đây có thể là khẳng định duy nhất.
Ngộ nhận đầu tiên, và có lẽ cũng rõ ràng nhất, đó là về loại hình, về nhận diện. Đành rằng những loại hình như sắp đặt (installation), trình diễn (performance), video-art, video-sắp đặt, ý niệm (conceptual art), hòa trộn (mixed media), đa phương tiện (multimedia art), liên phương tiện (intermedia)… thường được nghệ thuật đương đại thế giới, rồi Việt Nam, sử dụng nhiều. Nhưng không cứ sử dụng các loại hình như vừa nêu, và còn rất nhiều loại hình nữa, là đương đại.
Chính thực tế như vậy, nên khi nhìn lại các thực hành/giám tuyển của Đào Anh Khánh, Trần Lương và đồng sự tại Hà Nội, rồi Jun Nguyễn-Hatsushiba, Dinh Q. Lê, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Như Huy, Bùi Công Khánh, Ưu Đàm (TP.HCM), Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải (New Space Art Foundation, Huế), Ngô Lực…, danh sách còn rất dài, thật khó để rạch ròi đâu là đương đại, đâu là chưa. Các hệ quả và hiệu quả từ công việc giám tuyển mà Trần Lương, Nguyễn Minh Phước, Hoàng Himiko, Lê Brothers, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Như Huy, Phương Linh, Bill Nguyễn, Arlette Quỳnh-Anh Trần… đã và đang làm cũng vậy. Dù về lịch đại và ý chí, rõ ràng họ đang chọn các loại hình, hoặc ý niệm đương đại để tỏ bày.


Một ví dụ.

“Miền méo miệng” – do Trần Lương giám tuyển, diễn ra từ ngày 14/6 đến 1/11/2015 tại Bildmusee (Đại học Umea, Thụy Điển) – là một kết hợp đa phong cách, nên có vẻ mâu thuẫn, bát nháo và thú vị. Bởi rõ ràng cách tiếp cận, bày tỏ của những nghệ sĩ trong này khá khác nhau. Bàng Nhất Linh, Nguyễn Huy An khác Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Trinh Thi, Nguyễn Phương Linh…; Nguyễn Thế Sơn, Trương Công Tùng khác Phạm Trần Việt Nam, Trần Tuấn…; Trần Kim Ngọc khác Ưu Đàm Nguyễn.v.v… Theo nhà tổ chức: Triển lãm trưng bày các video, tranh, tác phẩm điêu khắc và sắp đặt của nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động tại quê hương. Nếu rạch ròi thì có các tác phẩm là đương đại, có cái là chưa, nếu nhìn trong chỉnh thể sống động, thì đây mới là đương đại: nơi chung sống của nhiều loại hình.
Cho nên, đôi khi mâu thuẫn, bát nháo về loại hình lại là một tinh thần đương đại thú vị, bởi cuộc sống không thể loại bỏ hoặc hòa nhập hoàn toàn. Các định nghĩa về hiện đại, cổ điển và trước đó nữa (dù chúng vẫn tiếp diễn cho đến nay) thì đã tương đối định hình, còn định nghĩa về đương đại lại bất ổn, thành ra thiếu cơ sở để so sánh, vừa dễ ngộ nhận, vừa rất thú vị.
Từ thực tế như trên, gần 30 năm qua vẫn còn một ngộ nhận khác, những tác phẩm thuộc loại hình (tạm gọi là) “truyền thống” như điêu khắc, gốm, in khắc, tranh giá vẽ, sơn mài… bị cho ra rìa khỏi đương đại. Cách nhìn loại trừ này không phải ai cũng chia sẻ, nhưng rõ ràng tại Việt Nam khá phổ biến, đã có nhiều người ủng hộ ra mặt, ngay trong giới nghệ sĩ. Đào Anh Khánh, Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải, Ngô Lực… từng phát biểu công khai rằng họ lấy việc bán tranh vẽ để nuôi nghệ thuật đương đại. Nghĩa là với họ, tranh giá vẽ thuộc về loại hình khác, còn đương đại phải là trình diễn, sắp đặt, ý niệm… Như vậy thì những mô hình như Zone 9, X98, The Yard, Art For You (Hà Nội), chợ nghệ thuật, chợ Bọ Chét, The Factory (TP.HCM)…, nơi trưng bày/buôn bán đủ thứ, đôi khi loạn xà ngầu, nên gọi là gì nếu không phải là đương đại.
Tại Singapore Biennale 2013, Nguyễn Oanh Phi Phi đưa đến một sơn mài-sắp đặt gây ấn tượng mạnh với quốc tế. “Chui vào” trong tác phẩm này, chỉ xét về loại hình (dù ý niệm của nó mới là quan trọng), thật bối rối khi định danh, dù kỹ thuật sơn mài đạt mức mẫu mực, nhưng liệu tác giả có muốn làm sơn mài thuần túy. Việt Nam hiện đại có một câu khá lý thú: “Tư tưởng không thông vác bình không cũng nặng”. Cũng giống như Sol Lewitt (1928-2007): “Một sắp đặt huy hoàng không thể cứu vãn nổi một ý tưởng nhạt nhẽo”. Với nghệ thuật đương đại, nhất là những quốc gia còn manh mún lý thuyết, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn như Việt Nam, nhiều khi “thấy dzậy mà không phải dzậy”.
Trong khi đó, những quan niệm mới cho thấy loại hình không quan trọng bằng việc các tác giả chuẩn bị cho mình tâm thế ra sao. Nếu họ có tâm thế và văn cảnh đương đại thì thực hành, diễn ngôn của họ sẽ đương đại. Và ngược lại. Không nhận ra điều này, tác giả hoặc khán giả ngộ nhận cũng là đương nhiên.


Sau năm 1975, mỹ thuật Việt Nam được nước ngoài mua tại Hà Nội từ khoảng 1985, cùng với các “truy lùng” về cổ vật, sản vật quý hiếm. Khi nghệ thuật đương đại ra đời từ sau 1986, thì nghệ thuật Việt Nam cũng bắt đầu manh nha xuất hiện tại các phiên giao dịch, đấu giá quốc tế. Song hành đó là tình trạng tranh giả, tranh nhái, tranh chép… tràn lan, làm cho người mua vừa mua vừa ngờ vực, niềm tin dần dần bị phai mòn.
Với bối cảnh như vậy, đã có vô vàn ý kiến cho rằng nghệ thuật đương đại là vứt đi, bởi nếu có giá trị thì phải có người mua chứ. Ý kiến này không chỉ đến từ những đầu óc vô minh, xem thường lý thuyết và trào lưu, mà còn đến từ những người đã biết một trong những lý do của đương đại là chống lại sự sở hữu, mua bán. Vì vậy, sự thành công của đương đại, nếu có được công nhận, phải đồng nghĩa với việc họ được mời đi nước ngoài trưng bày, triển lãm, giao lưu… Trong khi chủ đích chính của đương đại vẫn là thực hành tại địa phương, nếu được, thì “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” là tốt hơn.
Nghệ thuật đương đại thường “không bán được”, ở Việt Nam càng rõ, không chỉ dẫn đến vô số ngộ nhận từ cái nhìn bên ngoài, mà bản thân các nghệ sĩ cũng hoang mang. Nhiều người, ví dụ Trương Tân và các cái tên đã kể ở trên, còn nhiều nữa, đã phải chuyển hướng hoặc tạm chuyển hướng để kiếm tiền sinh sống. Bởi nhìn chung thì họ ít được tài trợ, hoặc được tài trợ không đủ (mà đương đại luôn cần tài trợ)… nên không đủ tài lực để làm tác phẩm thường xuyên. Nhiều người đã bỏ hẳn đương đại.
Sau này, khi mà những tác phẩm đương đại của Jun Nguyễn-Hatsushiba, Dinh Q. Lê, Bùi Công Khánh… được các bảo tàng lừng lẫy thế giới mua với giá cao ngất ngưởng, không thua gì tác phẩm đỉnh của nhiều danh họa Việt Nam, cái nhìn về đương đại mới ít nhiều thay đổi. Rõ là, loại hình không quan trọng bằng việc tài năng, sức sáng tạo, tầm ảnh hưởng, cái duyên của nghệ sĩ đến đâu. Điều này cũng tương tự như nhiều họa sĩ theo loại hình truyền thống thuần túy, đâu phải ai cũng bán được.


Một ngộ nhận chính quy hơn, đó là nghệ thuật đương đại rất ít khi được các trường mỹ thuật tại Việt Nam đồng hành, hỗ trợ. Thứ nhất, điều này đến từ quan niệm về giáo dục: chỉ dạy những gì đã ổn định, ít có tranh luận và phát sinh. Thứ hai, lịch sử gốc của các trường mỹ thuật tại Việt Nam là để dạy “thợ vẽ”, những điều gì thiên nhiều về tư tưởng, ý niệm, cách tân… thì còn e dè. Thứ ba, khi cần quan tâm, đồng hành, hỗ trợ, họ thiếu nhân sự hoặc cái nhìn đủ cởi mở.
Một ngộ nhận khác là do thiếu hệ thống lý luận, phê bình, nghiên cứu, truyền thông, thẩm định, thị trường, tài chính… để cập nhật, định danh. Khoảng 5-7 năm trở lại đây nghệ thuật đương đại đã bắt đầu đi vào nhà trường, thế nhưng vẫn còn phiến diện, manh mún, nên đôi khi cực đoan theo kiểu “mặt trận”, phe này phe kia.
Đã có vài chục triển lãm xưng danh và xứng danh đương đại tại Việt Nam, nhưng một bảo tàng hoặc một không gian công cộng chuyên dùng cho đương đại thì còn vắng bóng. Câu chuyện đương đại vốn do tư nhân và là chuyện của tư nhân suốt 1/4 thế kỷ vừa qua. Đào Anh Khánh trình diễn “ngay trong vườn” nhà mình, Lê Ngọc Thanh – Lê Đức Hải mua đất xây không gian, Ngô Lực “đụng đâu làm đó”, Nguyễn Như Huy thuê nhà làm Ga 0… là những ví dụ về hiện trạng.
Từ những ngộ nhận như trên (còn nhiều ngộ nhận khác nữa), việc định nghĩa và tái định nghĩa về đương đại sẽ làm nên cơ hội mới. Bởi, nếu quy chụp đương đại vào những loại hình cứng nhắc, không chỉ là quan niệm phiến diện, lỗi thời, mà còn khiến cho cái nhìn nghi kị thêm đất sống, hố thẳm cách ngăn thêm rộng mở.
Thay đổi được quan niệm thì những ngộ nhận kia sẽ biến thành cơ hội, bởi nghệ thuật đương đại Việt Nam như mảnh đất đã khai hoang, khá màu mỡ, chỉ chờ nhiều cây trái xum xuê mà thôi.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn