Triết lý biểu tượng của họa sĩ rừng

Vậy là bộ tranh “Cảm tạ người mẹ” của họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) đã tìm được chốn nương náu mới – thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Chí Sơn (Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận). Người nữ ấy – người mẹ ấy – cõi tạo thế ấy… đã tạm viên mãn một hành trình sau hơn 10 năm:
“Những là nương náu qua thì/
Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia” – Kiều.
Tên các bức tranh diễn tả chu kỳ người mẹ, cũng là chu kỳ sự sống, sự tái sinh, nên thứ tự sẽ là: 1) Mẹ thanh xuân; 2) Mẹ mộng mơ; 3) Mẹ tình nhân; 4) Mẹ gia thất; 5) Mẹ hoài thai; 6) Mẹ nuôi dưỡng; và 7) Mẹ vườn xuân. Bộ tranh này đã qua mấy cuộc trưng bày chính thức. Lần đầu tiên tại báo Người Việt (Westminster, California, Hoa Kỳ), từ ngày 1/8 đến 2/8/2009. Lần thứ hai tại phòng tranh Tự Do (TP.HCM), từ ngày 23/9 đến 4/10/2009, với tên mới là “Cảm tạ người nữ”. Và mới đây là tại phòng tranh Ngọc Trân (Ninh Thuận), từ ngày 10/5 đến 10/6/2019, trở lại tên nguyên thủy là “Cảm tạ người mẹ”.
Trong chuyên luận “Hai mươi năm hội họa miền Nam” (1954-1975), nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy nhận định: “Mỗi khuôn mặt trong Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam là một thế giới riêng, một phong cách riêng, với đường nét và màu sắc riêng. Như với họa sĩ Rừng, một thời kỳ dài trước năm 1975, luôn luôn đập vào mắt người xem những hình ảnh dữ dội, đẩy ta trở lại đối mặt với những gốc rễ nền tảng nguyên thủy. Những gốc rễ ăn sâu vào trái đất của nhục dục mà đâm chồi, nẩy nụ những cành lá xanh tươi siêu hình. Rừng thích Salvador Dalí và Marc Chagall; nghệ thuật của anh có nhiều tính cách thơ mộng và quái dị mà anh đã nghiệm ra từ hai bậc thầy này, dĩ nhiên đã tinh lọc hoàn toàn qua cách nhìn của một nghệ sĩ Việt Nam”. Cốt lõi về tinh thần của Salvador Dalí và Marc Chagall là triết lý hiện sinh – siêu thực, nơi mà các tạo hình thường mang giá trị của biểu tượng. Rừng cũng có một phần rõ nét như vậy.


Nói về giai đoạn trước này, Rừng cho biết: “Suốt một thời gian dài tôi quan niệm hội họa và văn chương phải đậm tính chiến đấu, hoặc phản kháng – tôi thích viết và vẽ về cái gì cụ thể, không vu vơ hoặc lan man. Từ đầu thập niên 1990, khi văn chương vẫn tiếp tục con đường cũ cho đến nay, thì tôi không muốn hội họa phải trực tiếp nói lên điều gì nữa, mà chỉ là câu chuyện của cái đẹp đơn thuần, nên đã làm khác đi”. Hai loạt tranh “Phiêu du mộng tưởng”: “Ánh sáng và bóng tối” (năm 1993), “Trên tầng thanh khí” (1999) Rừng đã làm khác đi như vậy, nhưng phải đến “Cảm tạ người mẹ” thì giá trị biểu tượng mới ngồn ngộn.
“Bảy bức tranh diễn tả bảy thời kỳ của người mẹ. Bắt đầu là Mẹ thanh xuân tràn đầy sinh lực, đến Mẹ mộng mơ chắp cánh bay lượn giữ trăng sao, và Mẹ tình nhân với tình yêu nồng cháy nhưng tinh khiết như hương sen. Rồi người con gái từ bỏ thơ ngây đi lấy chồng trở thành Mẹ gia thất, để rồi nhận lãnh thiên chức làm mẹ: Mẹ hoài thai. Mẹ banh da xẻ thịt đem sinh lực của mình nuôi dưỡng các con: Mẹ nuôi dưỡng. Và bức tranh thứ 7 ngợi ca ngày hội của những bà mẹ trong khu vườn vĩnh cửu của tình mẫu tử: Mẹ vườn xuân” – nhà nghiên cứu Đặng Phú Phong phân tích về biểu tượng. Khi hỏi về phân tích này, Rừng hoàn toàn đồng tình.
Theo Từ điển biểu tượng của J.E. Cirlot, số 7 là: Tượng trưng cho trật tự toàn hảo, một thời kỳ trọn vẹn, hoặc còn gọi là chu kỳ viên mãn. Nó gồm sự hợp nhất của bộ 3 và bộ 4, do đó, được phú cho giá trị ngoại hạng. Nó tương ứng với 7 hướng của không gian (tức là 6 chiều kích sinh tồn, cộng thêm trung tâm, với ngôi sao 7 cánh, với sự hòa giải của hình vuông với hình tam giác, bằng cách đặt hình sau lên hình trước (như bầu trời cách trên trái đất), hoặc bằng cách nội tiếp. Nó là con số hình thành chuỗi cơ bản của cung điệu âm nhạc, của các màu sắc, và của các hành tinh, cũng như của các thần linh tương ứng với các hành tinh ấy; và cũng là của 7 mối tội đầu và những đức tính tương phản. Nó cũng tương ứng với thập tự 3 chiều kích; và sau hết, nó là biểu tượng của đau khổ. Đau khổ để tái sinh.


Khi hỏi Rừng vì sao vẽ mẹ khỏa thân, ông nói vui: “Khỏa thân mới thành mẹ được, chứ mặc áo mặc quần… kín mít sao trở thành mẹ được”. Nhưng ngẫm lại, ấy lại là câu nói chân thực và trực diện vào yếu tính. Ông cho biết thêm: “Trước hết là do vẻ đẹp của thân thể tự nhiên. Con người không sinh ra với áo quần. Con người được sinh ra với da thịt của trời đất. Con người trần trụi đó là một giá trị thân xác đích thực… Quan niệm thẩm mỹ của mỹ thuật là nhằm đạt đến cái đẹp tuyệt đối của thân thể con người, do đó các họa sĩ hay vẽ con người khỏa thân (nhất là thời cổ điển). Một thân thể không áo quần che đậy thì không thể ăn gian được. Nó trung thực phô bày vẻ đẹp thực sự của tạo hóa ban cho. Đó là lý do tôi vẽ người nữ khỏa thân trong bộ tranh này. Tôi muốn vẽ một thân thể con người chứ không vẽ áo quần của họ”.
Rừng theo đuổi dòng tranh khỏa thân từ đầu thập niên 1960. Sau 1975, ông là một trong số rất người làm triển lãm khỏa thân đầu tiên tại Việt Nam, vào năm 1987, với tên gọi là “Bình minh mới” – diễn ra trong khuôn viên của Hội Mỹ thuật TP.HCM. “Những năm 1980, Rừng sáng tác nhiều tranh khỏa thân. Hình tượng người nữ đã được Rừng thể hiện bằng những đường nét đắm say, thơ mộng và đầy sức sống. Những tác phẩm như “Mẹ đất”, “Bình minh mới”, “Khỏa thân sen”, “Khỏa thân trăng”, “Khỏa thân mùa thu”… một thời làm nên phong cách tranh khỏa thân của Rừng. Nhưng, những khỏa thân nữ của Rừng ngày ấy được đặt bên cạnh những “Dâng lửa”, “Chiến tranh và tôi”…, những “Hamlet”, “Cây giọt lệ”, “Mắt lưng trời”… Đó là nét đẹp Rừng bắt gặp ở phía bên kia của ý thức nóng bỏng về một cuộc sống bị dằn xé trong mối quan hệ đa đoan, tục lụy” – họa sĩ Hồ Tịnh Tình nói.


Hồ Tịnh Tình nhận xét thêm: “Giờ đây, mọi thứ đã khác. Hình tượng khỏa thân nữ đã được Rừng đưa lên vùng ánh sáng rạng rỡ của năm sắc cầu vồng, giữa vũ trụ đầy trăng sao, giữa rừng hoa lá, cây trái tươi xanh rực rỡ, được phủ lên màu huyền ảo gần với màu sắc của tôn giáo. Rừng là một tín đồ đang quỳ gối trước linh tượng yoni, cảm nhận mặc khải huyền nhiệm của tình yêu, sự sống, là hóa thân của thượng đế và sáng tạo. “Tạ ơn người mẹ”, vì vậy, là buổi yến tiệc màu sắc lộng lẫy, là nghi lễ tôn vinh nguồn suối uyên nguyên, nguồn suối mà Rừng uống mê say như men rượu với tất cả lòng ngưỡng mộ thiết tha. Dục tính đã được chuyển hóa thành rượu nồng, đã kết tinh thành hoa trái, đã được thăng hoa thành tình yêu thần thánh. Người nữ trong mắt Rừng đi từ tuổi thanh xuân, mộng mơ đến yêu đương, sinh sôi, nuôi dưỡng và viên thành ở đỉnh cao của cái đẹp, cái chân, cái thiện”.
Còn với nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thì: “Rừng có một sức làm việc sung mãn. Anh vẽ nhiều, khai thác mọi thứ phương tiện trung gian để sáng tác – từ màu nước trên giấy, sơn dầu trên họa báo, sơn dầu trên vải bố, cắt dán giấy đến sơn mài…, không chịu sự kìm tỏa bởi những khó khăn của điều kiện vật chất. Bản chất hội họa của anh hướng đến biểu đạt sự hiểu, sự biết trên cơ sở của những cái thấy dựa trên kinh nghiệm chủ quan, nói chung, thuộc trí kiến thường nghiệm… Điều này được anh thừa nhận qua các phát biểu trực tiếp và thể hiện rất rõ qua từng tác phẩm của anh. Thực tế sáng tác của Rừng cho thấy anh đã lãnh hội tất cả mọi hình thức biểu đạt của hội họa hiện đại phương Tây, từ ấn tượng, dã thú, tượng trưng, biểu hiện, đến siêu thực, trừu tượng… – để biểu đạt chính mình trong mọi xung động nội tâm. Đó là hội họa theo quan điểm chức năng, quan điểm dấn thân. Ở góc độ này, cần thừa nhận, Rừng có đóng góp. Anh là họa sĩ dấn thân cuồng nhiệt nhất, chân thành nhất trong số các họa sĩ trưởng thành ở miền Nam trước 1975”.
 
Lược sử của họa sĩ Rừng
Ông tên đầy đủ là Nguyễn Tuấn Khanh, quê gốc Phú Thọ, sinh tại Nam Vang (Phnôm Pênh, Campuchia) năm 1941, thành dành ở Sài Gòn trước 1975, từ thập niên 1990 định cư ở Hoa Kỳ. Sau đó đi về giữa hai nước, triển lãm luân phiên. Với hơn 2.000 tác phẩm và hơn 30 triển lãm cá nhân, Rừng là hội viên Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam (trước 1975) và Hội Mỹ thuật Việt Nam (sau 1975). Triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Phòng tranh mùa xuân diễn ra tại Sài Gòn, tạo ấn tượng tốt cho người xem và giới sưu tập. Ông còn đặt dấu ấn với văn xuôi (bút danh Kinh Dương Vương) và thơ (các bút danh Dung Nham, Cỏ Ðồng).

0 bình luận

Viết bình luận của bạn