Độc đáo hình tượng con voi trên gốm cổ

Từ xa xưa, voi đã là loại động vật quen thuộc với người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới ở châu Phi, châu Á… Lịch sử và truyền thuyết của Việt Nam không thể thiếu hình tượng con voi. Đối với đồng bào các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, voi từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết, là bản sắc văn hoá biểu tượng cho sự giàu sang, sung túc; là loài vật tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc, mỗi buôn làng…
Lịch sử hàng ngàn năm qua đã cho thấy con voi đã trở thành đối tượng miêu tả trong văn hoá và nghệ thuật tạo hình của người Việt, được khắc hoạ trên nhiều chất liệu như đồng, gỗ, đá, gốm sứ… với rất nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau từ kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ… Ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, con voi cũng được xem là con vật linh thiêng, trở thành hình tượng nghệ thuật, hoá thân vào đời sống văn hoá tâm linh, thăng hoa vào nền nghệ thuật của dân tộc. Đặc biệt, hình tượng con voi cũng được thể hiện rất rõ nét và sinh động trên gốm cổ Đại Việt thế kỷ 15-16. Những đồ gốm trang trí hình voi thường được xem là những đồ vật quý, vì hình dáng của nó thường rất đẹp.

Trong số hàng trăm ngàn những cổ vật khai quật được từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm (thuộc Hội An, Quảng Nam) với những hoạ tiết, hoa văn trang trí cực kỳ phong phú về đề tài, đa dạng về phong cách thể hiện, đáng lưu ý nhất là những đồ gốm trang trí hình con voi. Trong rất nhiều những loại thú được trang trí trên gốm sứ Chu Đậu trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm như: rồng, ngựa, hổ, sư tử, kỳ lân, dê, nai, hươu, hoẵng, trâu, lợn… thì cũng không có nhiều cổ vật thể hiện hình tượng con voi. Nó được thể hiện trên một số ít tiêu bản như lọ tượng voi và trên vài chiếc đĩa nhỏ, đĩa trung.

Trong số những cổ vật thể hiện hình tượng con voi, độc đáo nhất là những chiếc lọ tượng voi nhỏ, rộng khoảng 3 – 5cm, cao từ 4 – 6cm. Có rất nhiều loại tượng thú được tìm thấy như lọ tượng cóc, rùa, cá, gà… nhưng số lượng lọ tượng voi tìm thấy không nhiều. Loại lọ tượng voi này có hai loại: loại liền thân và loại có hai phần. Điểm chung của loại lọ tượng voi này là đều thể hiện con voi ở tư thế quỳ, vòi uống con và hướng lên trên. Loại lọ tượng voi thân liền thì trên lưng voi có một lỗ nhỏ, có thể dùng để đựng hương liệu. Còn loại lọ tượng voi hai phần thì được sử dụng như một chiếc hộp, phần nữa trên như một chiếc nắp đậy vào phần nữa dưới.
Bên cạnh những lọ tượng voi thì hình tượng con voi còn được tìm thấy trên hai chiếc đĩa. Chiếc đĩa thứ nhất là chiếc đĩa nhỏ vẽ men tam thái (lục – lam – đỏ), vành miệng chia thuỳ hình cánh hoa sen, có đường kính khoảng 15cm, nét trang trí chủ đạo trong lòng đĩa là hình ảnh một con voi giữa khung cảnh thiên nhiên, bao quanh là những bụi cây cỏ. Con voi được thể hiện khá rõ nét và khá sinh động với cặp nhà nhọn và vòi uốn lượng, voi được vẽ ở tư thế nằm phủ phục, hai chân trước đưa về phía trước, hai chân sau gập lại như đang quỳ, đầu ngước lên phía trên và chiếc đuôi thì dựng đứng.

Con voi trên đĩa nhỏ
Một chiếc đĩa khác cũng lấy hình tượng con voi làm đề tài trang trí chủ đạo là chiếc đĩa trung vẽ men lam, cao 5,2cm, đường kính miệng 23,9cm và đường kính đáy là 16,6cm. Con voi cũng được thể hiện ở tư thế vừa nằm vừa quỳ, hai chân trước đưa ra phía trước, hai chân sau gập lại, đầu voi xoay ngang thân. Xung quanh là những bụi cỏ (hoặc tre, trúc lớn).
Ngoài những cổ vật trên thì hiện nay trong bộ sưu tập gốm sứ Việt Nam ở Bảo tàng thành phố Machida (Nhật Bản) cũng có một cổ vật thuộc dòng gốm Chu Đậu (thế kỷ 15 – 16) là bình tích đựng nước sử dụng hình tượng con voi để trang trí. Con voi được thể hiện hình dáng tượng tròn nên nhìn rất đẹp và sống động. Đặc biệt trên phần bành voi có gắn thêm một cái chén nhỏ để làm nơi rót chất lỏng (rượu, trà) vào và vòi voi uốn cong với hai chiếc ngà nhọn ở hai bên được chế tác như là vòi của chiếc ấm dùng để rót chất lỏng ra.
Qua hình tượng con voi trang trí trên đồ gốm Chu Đậu thế kỷ 15-16, ta có thể thấy voi đã trở thành đề tài quen thuật trong nghệ thuật nói chung và là một đề tài trang trí thường gặp trên gốm sứ cổ nói riêng vì voi giữ vị một trí quan trọng trong đời sống và trong văn hóa tâm linh của người Việt. Voi không chỉ đơn thuần là con vật thồ, vật cưỡi mà còn là người bạn đồng hành chí tình, chí nghĩa của con người nhờ sự trung thành, cần mẫn và thông minh. Do vậy với đề tài trang trí trên gốm, người xưa đã lấy hình tượng con voi để gửi gắm, để thể hiện những ý tưởng mang tính nhân văn sâu sắc.
 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn