Tìm về một làng tranh xưa

LTS: Tên của dòng tranh Kim Hoàng được công bố trên báo Văn nghệ (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) số Tết Bính Thìn 1976 và trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1975 đến nay, đã được các nhà nghiên cứu Văn hóa – Văn nghệ cùng công chúng yêu nghệ thuật nhắc đến một cách trìu mến thân thương, bởi số phận chìm nổi của một dòng tranh – đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Nhân dịp Tết Tân Sửu (2021), tòa soạn xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật – họa sĩ Phan Ngọc Khuê “Tìm về một làng tranh xưa”, in trong Kỷ yếu kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (1966-1981), để bạn đọc tham khảo về truyền thống sáng tạo mỹ thuật dân tộc của chúng ta.
Đầu năm 1975, tôi được Bảo tàng Mỹ thuật cử đi cùng nghệ nhân Nguyễn Đăng Khiêm về Đông Hồ công tác. Trong dịp này, chúng tôi có trao đổi với nhau về các địa điểm có thể có tranh dân gian mà ta chưa có dịp nghiên cứu, sưu tầm tới, trong đó có vùng Thị Cấm, Kim Hoàng ở phía Tây của Hà Nội. Bác Khiêm có mách cho tôi một địa chỉ của người em dâu bác ở Thị Cấm là bà Ba Tem, quả phụ của ông Nguyễn Đình Tiêm.
Chồng bà Ba Tem là người làng Đông Hồ, sống ở Thị Cấm thuộc xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Từ ngày còn trẻ, ông có đem ván khắc của làng tranh Đông Hồ về bên đó để in và bán trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Bà Ba Tem cũng là người tích cực tham gia in, bán tranh và am hiểu nhiều về tranh dân gian.
Tháng 2-1975, tôi về Thị Cấm mang theo các tài liệu nghiên cứu như sau:
– Bộ sưu tập tranh dân gian Đông Hồ (bản chính) của Bảo tàng (đánh số từ ĐH. 291 đến ĐH. 4.12).
– Các tranh từ số ĐH. 463 đến số ĐH. 468 là những tranh do bác Khiêm dựng lại theo trí nhớ về các tranh Đông Hồ, nay không còn bản chính, là tư liệu tham khảo của Bảo tàng.
– Tập tranh dân gian Việt Nam do Maurice Durand sưu tầm và in ở Paris năm 1960 (M.Durand: Imagerie Populaire Vietnamienne, Paris, 1960).
Khi được hỏi về tranh của làng Kim Hoàng, bà Ba Tem chỉ bảo rất nhiệt tình và hết sức giúp đỡ. Trong câu chuyện trao đổi, bên cạnh những tranh tư liệu tôi mang theo, bà đã cho biết nhiều chi tiết rất đáng quý.
Bà khẳng định có những con người cụ thể của làng Kim Hoàng đã làm tranh và bán tranh ở chợ Canh, quê bà. Nhưng là ai thì nay bà không còn nhớ được nữa, vì do ngày xưa bà cũng không quan tâm đến điều này. Bà khẳng định có những bức tranh cụ thể của làng tranh ấy mà bà đã mua lúc bà còn trẻ để về treo Tết tại nhà của bà, như các loại tranh: “Nhị thập tứ hiếu”, “Phương ngôn”, “Lợn gà”, “Thổ công”, “Táo quân”… Các loại tranh này đều khác với loại tranh Đông Hồ cùng đề tài mà bà xem qua tư liệu của Bảo tàng. Ví dụ tranh số 182 (12 -444) của tập tranh do Durand sưu tầm giống như tranh “Tiên sư” của Kim Hoàng, nhưng tranh của Kim Hoàng có hình vẽ con hạc hai bên mảnh dẻ hơn.
Việc mới dừng lại ở mức độ đó, bà khuyến khích và chỉ đường cho tôi tìm về Kim Hoàng và hẹn nếu có kết quả thì cho bà được biết.
Vượt khỏi ngã tư Canh của huyện Từ Liêm thuộc Hà Nội là tới địa phận của huyện Hoài Đức (năm 1975 còn thuộc tỉnh Hà Tây) và cũng là địa giới của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh.

Ủy ban nhân dân xã Vân Canh đã tiếp tôi và cho biết hiện nay ở làng chỉ có người làm nghề bồi tiến sĩ giấy, con rối “Võ sĩ đánh gậy” làm bằng thân cây đay, làm đèn ông sao, bán vào dịp rằm tháng Tám, chứ không có ai và cũng không biết trước kia đã có nhà ai làm nghề in tranh.
Đây cũng là điều thường gặp trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, vì những lớp người trẻ, mới lớn lên không nắm được cụ thể làng quê xưa có gì, nhất là sau những biến cố sôi động của đất nước và thời gian đã phủ một lớp bụi lãng quên. Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi đề nghị Ủy ban giúp đỡ cho gặp đại diện các cụ trong tổ Phụ lão. Nhưng cũng không được biết gì hơn.
Với một nỗi luyến tiếc da diết và những niềm hy vọng thiết tha, tôi lân la quanh làng và hỏi thăm xem ở xã này có cụ nào là người thích chơi vườn hoa, cây cảnh, thích trang trí nhà cửa, vườn tược, ưa bày tranh, bày tượng trong nhà không? Một ông phó cạo ở đầu làng mách cho tôi biết có một cụ già ở làng Hậu Ái (trên làng Kim Hoàng) là người như vậy.
Tôi lập tức tìm lên làng Hậu Ái và hỏi thăm tới nhà cụ này. Trong câu chuyện trao đổi, cụ cho biết: Thuở bé cụ có chơi với một người làng Kim Hoàng là con của một gia đình làm tranh. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông ta tham gia kháng chiến và làm giao thông bưu điện, nay đã về hưu, sống ở làng Kim Hoàng và gọi là cụ Phồn. Ngay buổi chiều ngày 20/2/1975, tôi tìm tới nhà cụ Phồn, sau gần nửa tháng đi lại vùng này.
Nắng vàng đã nhạt, bóng chiều đã phủ quanh vườn, ngõ, xóm, làng, cụ Phồn làm việc ở ngoài đồng mới trở về nhà. Sau khi nghe tôi nói rõ ý mình, cụ tiếp tôi một cách hết sức niềm nở, cởi mở. Mỗi lời nói của cụ lúc đó đối với tôi thật vô cùng quý giá.
Cụ Phồn có tục danh là Nguyễn Sĩ Diễm, năm ấy (1975) đã 66 tuổi, con thứ ba của cụ Nguyễn Sĩ Thản (mất khoảng năm 1935) là nghệ nhân khắc ván in tranh đồng thời vẽ mẫu tranh của phường hội tranh dân gian ở Kim Hoàng. Cụ Phồn có người anh nội tộc là cụ Thục ở xóm trên cũng là con nhà làm tranh. Cả hai cụ là con chú, con bác, có cùng chung cụ Tổ là cụ Nguyễn Sĩ Hoằng, thường gọi là cụ Giáo (mất khoảng từ 1910-1920). Cụ Hoằng đã dự thi tam trường, viết chữ đẹp, là người chuyên viết các chữ để khắc ván trong phần chữ trình bày trên tranh Kim Hoàng.
Chiều hôm ấy, cụ Phồn cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý và giúp tôi hẹn trước với cụ Thục* sẽ cho tôi gặp vào chiều hôm sau.
Cụ Thục năm ấy đã ngoài 70 mà vẫn khỏe mạnh, vóc người nhỏ bé nhưng quắc thước, rắn rỏi, hàng ngày cụ vẫn gánh nước tưới hoa màu trồng trên ruộng phần trăm của gia đình. Tinh thần sáng suốt, có trí nhớ tốt, tính khí điềm đạm, trầm tĩnh.
Trong khi làm việc với các cụ, tôi đều dùng số tranh tư liệu đem theo để dẫn chuyện và gợi ý. Các cụ xem rất kỹ, trao đổi, bổ sung nhiều ý kiến cho nhau về tranh của làng mình thông qua sự gợi ý trực quan của tư liệu, đại ý như làng mình cũng có tranh đề tài này, đề tài nọ, nhưng vẽ như thế này, hoặc có chi tiết khác, hoặc không có chi tiết này… Tới tranh “Lợn” (tranh số 94 (12-457) trong tập tranh sưu tầm của Durand), cả hai cụ đểu khẳng định là tranh của Kim Hoàng, nhưng có thêm một ý là tranh của gia đình hai cụ vẽ thường vẽ mõm lợn vào khoảng giữa phướn.
Tới tranh số 93 (12-454) (trong tập tranh đã nói ở trên) là tranh “Con gà trống” thì cả hai cụ đều công nhận là đúng của Kim Hoàng. Và điều mong đợi, điều sung sướng của người làm công tác sưu tầm như tôi lúc đó đã xảy ra, đó là lúc cụ Thục bảo tôi: “Tranh này đúng. Cả bản vẽ, cả lời thơ đều là của Kim Hoàng, tôi còn giữ được ván khắc”. Nói rồi, cụ đứng lên vào buổng lục tìm, tôi hồi hộp, mong đợi và hy vọng.
Một lát sau, cụ Thục đưa ra một bản ván gỗ khắc tranh Con gà trống; chỉ tiếc rằng phần chữ ở phía trên đã mất. Cụ cho biết: Trẻ trong nhà đem ra làm ghế ngồi, ván bị sứt mẻ, cụ bèn cưa vứt đi cho gọn rồi đem đậy thạp gạo ở trong buồng, vì thế lại còn đến bây giờ, đó cũng là một điều may mắn.
Cụ Thục cho biết thêm: Gia đình cụ có giữ được bộ hai bản ván khắc đại tự “Đức lưu quang” trên nền hoa văn vẽ tứ quý, tứ linh và “Phúc mãn đường” trên nền hoa văn vẽ hoa cúc, chữ thọ (có kích thước khoảng 40×90 cm) mà người viết chữ là cụ Giáo Nguyễn Sĩ Hoằng, người vẽ và khắc là Nguyễn Sĩ Thản. Bộ ván này mọt và hủy đã lâu, gần đây cụ có dùng một bộ gỗ khắc đôi câu đối.
“Tổ tông công đức thiên niên thịnh
 Tử hiếu tôn hiền vạn đại sương”
để lát bậc lên xuống hầm trú ẩn, rồi bị mối xông, hỏng mất. Đó là khoảng cuối năm 1972 đầu 1973. Bộ ván này có kích thước khoảng 120×20 cm.
Qua quá trình trao đổi, hai cụ đã hết sức giúp đỡ và cung cấp tư liệu rất nhiều, xung quanh các vấn đề sau đây:
1. Nguyên vật liệu để khắc ván gỗ, in tranh, cùng các loại công cụ, thủ pháp tiến hành in vẽ tranh.
2. Tổ chức và hoạt động của phường hội của làng tranh Kim Hoàng, các thành viên của phường hội, mùa làm tranh, thời điểm bán tranh, phạm vi tiêu thụ tranh, cùng các mẩu ký ức sâu sắc, thi vị về những ngày in, vẽ, bán tranh của thuở xa xưa.
3. Thời điểm tàn lụi của làng tranh Kim Hoàng, cùng các nguyên nhân của nó; trong đó có một thời điểm đáng ghi nhớ: đó là năm Ất Mão 1915 khi đê Liên Mạc bị vỡ. Từ làng quê, các cụ phải đi bằng thuyền đến tận chân đê ở Cầu Giấy để vào Hà Nội. Trận lụt ấy đã cuốn đi bao nhà cửa và ván gỗ khắc tranh của phường hội. Và cũng từ đấy, ai còn giữ được ván in tranh thì giữ làm của riêng. Phường hội cũng đã tan trên danh nghĩa. Cụ Bá Sơ chủ phường hội (người giữ ván khắc của phường hội) là người còn giữ được ít ván in tranh cũng đã đem đổi lấy vài nồi gạo ăn cứu đói. Rồi năm 1948, cụ Thơ Bật (năm ấy ngoài 71 tuổi) đã đốt sạch ván khắc để sưởi ấm trong cơn bệnh hoạn trước khi chết (tài liệu cung cấp của cụ Trần Đức Mạch, 73 tuổi, con thứ ba của cụ Thơ Bật)

Sau khi được cung cấp một số tư liệu và được các cụ Thục, cụ Phồn đưa đi gặp thêm một số gia đình con cái của các cụ làm tranh xưa, tôi không được cung cấp thêm ván khắc nào, ngoài ván tranh “Con gà trống”. Tôi trở lại Thị Cấm gặp bà Ba Tem để đáp lại tấm lòng nhiệt thành giúp đỡ và sự mong đợi của bà về kết quả sau thời gian đi nghiên cứu ở Kim Hoàng.
Lần gặp ấy, bà vui mừng cho tôi biết: Thời gian qua bà cố nhớ lại một người, xưa có làm và bán tranh Kim Hoàng, nay đã già và làm nghề bán thuốc dân gian ví như loại thuốc bột chữa bệnh đau mắt đựng trong ống lông ngỗng – đó là bà Hai Vân.
Nghe tôi nói kết quả bước đầu, bà Ba Tem rất phấn khởi và tự thân dẫn tôi lên làng Kim Hoàng để hỏi thăm, tìm tới nhà bà Hai Vân. Hôm đó là ngày 15/3/1975.
Bà Hai Vân đã cung cấp ngay các ván gỗ khắc tranh sau đây:
– “Thổ công vị và Tiên sư vị” (hai mặt khắc hai tranh, có kích thước 0,25×0,35m, dày 0,02m).
– “Lợn độc” (hai mặt, khi in ra có một con bên trái, một con bên phải, thành hai tranh đối nhau của một bộ tranh), có kích thước 0,30×0,45, dày 0,045m.
– Bản in tiền âm phủ dùng để đốt trong dịp hóa vàng của các nghi lễ cổ (kích thước 0,20×0,40m).
Các bản ván này đều gỡ ở chuồng gà của nhà bà ra. Căn cứ những hình trên bản khắc, thì thấy đã qua nhiều lần in tranh nên mòn vẹt, tròn nét khắc, nhưng ván vẫn còn tốt nguyên.
Bà Hai Vân chỉ lên sàn gác ở gian giữa nhà và cho biết: Cách đây mới vài năm, nhiều ván khắc gỗ để trên đó với ý thức: “Cứ để đó, rồi có khi cần đến, nó sẽ “cứu” mình, ví như lúc Chính phủ cho mở mang nghề tranh”. Nhưng, vào mùa đông năm ngoái (1974), dịp cô con dâu ở cữ, có đem đun nấu và đốt sưởi một ít. Có lẽ, may ra sẽ còn vài ván khắc lót dưới hòm gian đựng thóc trong buồng, hôm nào có dịp sẽ đổ thóc ra, tìm cho cơ quan Bảo tàng Mỹ thuật. Nửa tháng sau, theo hẹn, tôi trở lại nhà bà, cùng đổ thóc ra và tìm lại nhưng không có gì.
Anh con trai của bà Hai Vân cho biết cách đây mấy năm, anh có in một ít tranh để bán vào dịp Tết, nhưng bị ế, lại đem về vứt lăn vứt lóc, nay đã mất hết. Số tranh đó có các đề tài như: người đi cày, người đi bừa, hạc thờ, ông Táo, ông Tướng, lợn, ông Công, ông Sư…
Theo bà Hai Vân cho biết: chính số ván này là do cụ Bá Sơ đã đổi cho gia đình bà để lấy một nồi gạo (khoảng 12-15kg) vào dịp năm đói (?).
Một thời gian sau đó, tôi còn tiếp xúc với nhiều cụ già trong các họ: Trần Đức, Nguyễn Thế, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Đình là những gia đình nghèo trong làng, xưa thường in tranh để bán, kiếm tiền tiêu Tết, là thành viên của phường hội. Nhưng không tìm thêm được ván khắc nào nữa.
* * *
Trên cơ sở các hiện vật thu thập được và tư liệu nghiên cứu trên thực địa, các đồng chí lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật và Phòng nghiên cứu – sưu tầm đã chỉ đạo bước công tác tiếp theo: mời cụ Thục in vẽ cho một số tranh trên cơ sở ván hiện còn. Cụ Thục vui vẻ nhận lời và hướng dẫn cho tôi chuẩn bị các nguyên vật liệu để in tranh theo các cụ xưa đã dùng:
– Giấy đỏ hồng điều, tàu vàng.
– Mực đen (mực nho) ngâm nhuyễn, đánh tơi và trộn với bột lá chàm để in tranh lợn.
– Phấn viết bảng (thạch cao) ngâm kỹ, đánh cho mượt pha với keo (da trâu, da bò) để chấm màu trắng.
– Các loại phẩm: điều, lục, thư, sa thanh…
Trong lúc cụ in tranh, tôi ngồi xem và gợi hỏi nhiều chuyện về những ngày đã qua và kỹ thuật in tranh của các cụ, có những điều đáng lưu ý sau đây:
– Khi in mảng màu lớn, các cụ đã dùng cái chổi rơm nếp nhặt sạch hạt thóc lép còn bám vào, cột thật chặt lại rồi xén bằng để làm công cụ xoa tải màu.
– In đồ(1) là một kỹ thuật rất khó, cụ Thục đã bỏ nghề hơn 50 năm nay, nhưng nay in lại rất thành thạo, đúng và đẹp.
– Cách xoa tải màu in lên bản ván và cách đặt giấy là: ngửa bản ván và đặt giấy (giống cách in của tranh Hàng Trống và khác với cách in của tranh Đông Hồ).
Khi xem cụ Thục vẽ lại những tờ tranh Tết Kim Hoàng, chúng tôi có gợi hỏi tới những người vẽ tranh đẹp của làng tranh, cụ Thục cũng công nhận rằng:
“Loại tranh làng tôi, tuy có nhiều gia đình làm, nhưng người vẽ đẹp cũng hiếm, người vẽ không khéo thì trở thành bôi màu cho có; tuy vậy tranh cũng không đủ bán trong dịp Tết ở vùng này. Cách làm khó nên nhiều người bỏ đi buôn tranh trắng (tức loại tranh Đông Hồ và Hàng Trống thường in trên nền giấy trắng, khác với tranh Kim Hoàng chỉ in trên giấy màu đỏ) vừa kiếm được nhiều lời lãi vừa nhanh hơn. Bởi vậy, tranh đỏ Kim Hoàng chúng tôi dần dà cũng ít người tài, người khéo đi”…
Những ván khắc gỗ, những bức tranh vẽ đó hiện nay đều là những tư liệu quý, những hiện vật trưng bày của Bảo tàng Mỹ thuật được giới thiệu với đông đảo công chúng ở trong nước và khách nước ngoài.
Người xưa có câu “Quý vật tìm quý nhân”. Tôi thường nghĩ rằng quý vật ví như di sản nghệ thuật quý báu của cha ông, và quý nhân ở đây ví như đường lối, chính sách văn nghệ của Đảng, chỉ có dưới ánh sáng của Đảng những giá trị tinh thần của di sản nghệ thuật dân tộc mới có được vẻ đẹp rạng rỡ, đáng quý và đáng trân trọng. Bảo tàng Mỹ thuật và các cán bộ nghiên cứu sưu tầm có một vinh dự đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện một cách tốt đẹp ý nghĩa của niềm tin tưởng: “Quý vật tìm quý nhân”. Bảo tàng chúng ta đã có những thành tựu lớn. Nhưng trọng trách được “quý nhân” ủy thác tìm “quý vật” đối với chúng ta không bao giờ được lơ là.
Biết mà không tìm ngay, sẽ mất. Mất đi “quý vật”là chúng ta có tội lớn với Đảng, với dân tộc. Qua bài viết này, tôi chỉ mong rằng các bạn tham khảo một số kinh nghiệm bản thân đã làm trong một công việc cụ thể. Tôi thấy rõ:
– Hệ thống tư liệu nghiên cứu của Bảo tàng đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc vừa qua. Chúng ta cần củng cố, xây dựng cho hệ thống đó ngày một khoa học hơn, đầy đủ hơn.
Do điều kiện xây dựng cuộc sống mới có một tốc độ nhanh, các di sản hiện còn trong quần chúng dễ bị lãng quên, mất mát. Khi được phát hiện, Bảo tàng nên tạo điều kiện thực thuận lợi, thực tốt để sưu tầm quý vật.
 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn